Lời kêu cứu của những dòng sông - Thực trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay
Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá ngày càng nhanh cùng với sự gia tăng dân số đã gây áp lực nặng nề đối với tài nguyên thiên nhiên nói chung và nguồn nước nói riêng. Nguồn nước Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, dịch tả, các bệnh lý về da, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Những hệ lụy của việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm đã được thể hiện thông qua các con con số báo cáo hàng năm. Thế nhưng, vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề nan giải này.
Tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch (Hà Nội) vẫn chưa được xử lý sạch (Ảnh: kinhtemoitruong)
Báo cáo từ Bộ tài nguyên và Môi trường, thành phố Hà Nội thải ra ngoài môi trường (nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải đô thị) khoảng 300.000 tấn nước thải mỗi ngày.
Đặc biệt, mức độ ô nhiễm nước đã trở nên nghiêm trọng ở 2 trung tâm công nghiệp lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, điển hình là một số con sông như: sông Tô Lịch (Cầu Giấy), sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ ở Hà Nội và rạch Phan Văn Hân, “xóm nước đen” kênh Xuyên Tâm (Bình Thạnh), kênh Tẻ (Quận 7) ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân phải sinh hoạt trên kênh Xuyên Tâm, Bình Thạnh đầy rác (Ảnh: Internet)
Trái ngược với hình ảnh khu đô thị phồn hoa như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chắc chắn bạn sẽ không khỏi kinh ngạc khi bắt gặp với những “dòng sông chết” đầy rác thải nổi lềnh bềnh. Đi ngang qua các con sông, người dân phải nín thở với mùi hôi thối, nước sông ngả màu đen kịch, đặc quánh. Khi nước trút xuống, dòng sông trông không khác gì một bãi rác. Các vỏ chai nhựa, bọc nilon chất thành đống tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng, muỗi, ruồi, gián, chuột… sinh sản, phát triển và bùng phát dịch bệnh. Khiến đời sống người dân ở khu vực xung quanh bị đảo lộn ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sông Tô Lịch là một con sông nhỏ, chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng sông nằm giữa thủ đô, điểm tô màu trong mát, uốn quanh ôm lấy những vùng đất ngàn năm văn hiến nhưng lại bị “chết dần, chết mòn” với đầy rác thải trôi nổi, che ngập mặt nước đen ngòm, bốc mùi đến mức rêu mọc không được. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có đến 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch, gây ô nhiễm dòng sông không chỉ làm mất mỹ quan khu đô thị mà còn ảnh hưởng chính người dân sống gần khu vực.
Các chất thải từ môi trường tự nhiên, rác thải sinh hoạt ngày càng tăng khi mức sống con người ngày càng nâng cao. Theo Trung tâm Nghiên Cứu Môi trường Cộng đồng, khoảng 70% nước thải từ các khu công nghiệp không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường, các chất ô nhiễm hữu cơ, các kim loại còn nguyên trong nước dễ dàng thâm nhập vào nguồn nước.
Ngoài ra, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, rò rỉ dầu, chất thải động vật, các chất phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp do người dân xả trực tiếp xuống các con sông, hồ là nguyên nhân khiến nguồn nước ô nhiễm. Ở các khu sinh sống người dân, vẫn có nơi vấn đề rác thải chưa được siết chặt, rác thải sinh hoạt hàng ngày được vứt lung tung, làm tắc các đường cống, gây ngập nhiều đường, hẻm mỗi khi có trận mưa đến.
Ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sinh hoạt còn khó khăn thường sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày từ nước giếng, giếng khoan. Tuy nhiên, khi những trận mưa lũ đi qua, các cây cối bị đổ ngã, xác gia súc, gia cầm, rác thải sinh hoạt…sẽ bị cuốn theo làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Các chất thải từ hoạt động nông, ngư nghiệp như các vỏ chai còn tồn đọng lượng phân bón, thuốc trừ sâu, các chất hóa học độc hại, thức ăn thừa, phân, nước tiểu động vật không qua xử lý đã đưa vào môi trường, làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn các kênh mương, sông hồ...
Chỉ dùng nguồn nước bẩn để sinh hoạt vẫn có thể gây dị ứng, viêm da. Sử dụng nước nhiễm bẩn thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột, tiêu chảy, viêm da, nguy cơ bệnh ung thư. Vòng tuần hoàn: ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đời sống sức khỏe người dân, tác động xấu đến các ngành sản xuất, các ngành nuôi trồng thủy sản, sau đó là công tác khắc phục và xử lý nguồn nước ô nhiễm. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn gây ra tổn thất cho nền kinh tế nước nhà.
Nguồn nước là khởi nguồn của sự sống, là yếu tố tất yếu tạo nên cuộc sống xanh trên hành tinh này. Bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng là hành động cần làm để bảo vệ sức khỏe cho mỗi chúng ta của hiện tại và thế hệ sau này. Môi trường đã lên tiếng và giờ là lúc để bạn hành động!